Tỏi có thể sử dụng để làm đẹp. Đó là nhận định của lương y Quốc Đương thông qua các bài thuốc và mẹo bên dưới. Hãy tham khảo ngay bạn nhé.
Nội dung chính:
Bài 1: Chữa nẻ da
- Đơn thuốc: Tỏi, đường, mật ong với lượng vừa phải
- Cách dùng: Tỏi nghiền nát, ngâm vào trong đường đen và mật ong, khuấy đều rồi bôi vào chỗ đau.
Bài 2: Chống nhăn da, tẩy mụn cóc và tàn nhang
Dùng hỗn hợp tỏi ép với hoa loa kèn trắng, mật ong và sáp ong xoa lên da, mỗi ngày 1 lần vào buổi tối đến khi khỏi hết mụn và tàn nhang.
Bài 3: Xoá nốt ban đỏ
Củ tỏi giã nhỏ đắp lên mặt mỗi tuần 1 lần cho đến khi nốt sần đỏ tan hết.
Bài 4: Cách chế cao tỏi làm đẹp da
- Đơn thuốc: Tỏi 50g.
- Cách dùng: Tỏi để nguyên vỏ, dùng 50g muối ngâm tỏi 2-3 ngày, sau đó rửa sạch nước muối, tiếp tục ngâm tỏi vào nước sạch khoảng 24 tiếng, vớt tỏi ra để phơi khô một ngày. Cho tỏi đã bóc vào bình, lấy một quả chanh cắt làm đôi cho vào, sau đó đổ khoảng 600cc rượu trắng vào rồi bịt kín bình để nơi râm mát sau 6 tháng mới dùng.
Sau 6 tháng, trộn cao tỏi vào kem tuyết có bán trên thị trường, dùng để xoa bóp mặt, một ngày 2- 3 lần. Lúc đầu xoa ít sau quen có thể xoa nhiều hơn. Bôi thường xuyên bạn sẽ có làn da mịn màng và khoẻ mạnh.
Bài 5: Chữa mụn trứng cá bằng y học cổ truyền
Mụn mới mọc dễ gây ngứa, chạm vào đau, khó chịu. Để làm mất các triệu chứng trên, chỉ cần lấy một nhánh tỏi bóc vỏ rồi nghiền nát, nhỏ vào vài giọt cồn 90 hoặc 70 độ, dùng bông thấm và nhỏ vào các mụn vừa mọc.
Bài 6: Công thức làm dẹp da từ tỏi
- Để có làn da trắng mịn, bạn hãy giã nhuyễn tỏi, sau đó cô đặc lại và bôi lên da.
- Để có làn da sạch bạn hãy cho 6 nhánh tỏi vào 1 chén mật ong, sau đó phơi hỗn hợp này trong bóng tối tránh ánh nắng mặt trời, trong thời gian từ 2 đến 3 tháng, rồi dùng hỗn hợp này thay thế mặt nạ dưỡng da.
- Để làn da không còn nếp nhăn, bạn hãy cho tỏi vào nước nấu đến khi tỏi trở nên đặc lại và thêm vào 1 chút mật ong. Hằng ngày uống 1 thìa nhỏ để chống lão hoá và ngăn ngừa xuất hiện các nếp nhăn.
Bài 7: Chăm sóc tóc bằng tỏi, rượu trắng + tỏi
- Nguyên liệu: 100g tỏi, 2 cốc rượu.
- Cách làm: Tỏi bóc sạch vỏ cho vào ngâm trong rượu đã đun sôi. Sau 30 phút, đổ rượu và tỏi lên tóc rồi làm mát xa da đầu. Chụp mũ chuyên dùng khi tắm lên đầu trong 30 phút, sau đó gội lại đầu với nước sạch.
Tác dụng: Trị tóc khô dễ gãy rụng.
Bài 8: Giảm cân bằng cách ăn tỏi
Mỗi ngày bạn nên tiêu thụ 400-1.200mg tỏi khô hoặc 2-5gr tỏi tươi. Chúng giúp cơ thể giảm hấp thụ carbohydrate và chất béo.
Bài 9: Tỏi chống lão hóa da
Trong tỏi có vitamin B1 là chất men bổ trợ không thể thiếu trong quá trình chuyển đổi chất đường. Việc thiếu vitamin B1 sẽ làm giảm sức đề kháng bệnh tật của cơ thể, sinh ra các bệnh về da.
Vitamin B2 trong tỏi mang các loại axít hoàng tố đơn hạt và hoàng tố nhị hạt là chất men chuyển đổi chất protein cần thiết. Sự chuyển đổi này có ảnh hưởng đến vẻ đẹp của da vì vitamin B2 có tác dụng giữ cho da đẹp.
Tỏi còn chứa vitamin E có tác dụng tăng cường sức đàn hồi của huyết quản, chống bệnh hoại huyết, giải độc. Vì vậy, có thể phòng ngừa da già mốc, da đồi mồi.
Tỏi dùng bên ngoài thúc đẩy tuần hoàn máu, tẩy lớp sừng lão hóa trên da, làm da mềm và đàn hồi, phòng nắng, phòng lắng hắc tố, tẩy vết đốm, làm trắng da, chống bạc tóc, rụng tóc. Tỏi thường được làm thành các mỹ phẩm như cao tỏi và rượu tỏi, có tác dụng bảo vệ da làm mất các vết đốm.
Cách chế rượu tỏi: Dùng 1,8 lít rượu trắng độ nhẹ (35 độ), 100g tỏi giã nát, 300g đường trắng, tất cả ngâm vào lọ nút kín để vào chỗ râm mát bảo quản.
Cách sử dụng: Có thể uống. Nếu dùng bôi bên ngoài thì tốt nhất thay đường trắng bằng mật ong. Có thể dùng để rửa mặt.
Nguồn: Sách Tỏi Với Sức Khỏe Con Người – 400 Bài Thuốc Trị Bệnh (Lương y Quốc Đương)