Trẻ bị ho: Những điều cha mẹ phải biết

5/5 - (11 bình chọn)

Trẻ bị ho là tình trạng phổ biến mỗi khi trời trở gió lạnh hoặc thay đổi thời tiết.

Tuy ho ở trẻ em không được xem là một căn bệnh mà là một phản xạ có lợi của cơ thể.

Nhưng nhiều bé bị ho kéo dài, ho về đêm, ho khan từng cơn, ho có đờm hoặc ho kèm theo sổ mũi, nôn trớ khiến cha mẹ không khỏi lo lắng.

Vậy khi trẻ bị ho, cha mẹ chúng ta nên làm gì, khi nào thì nên cho trẻ đi khám bác sĩ?

Hãy cùng Diệp Chi “giải mã” nguyên nhân cơn ho của bé và giải đáp một số thắc mắc thường gặp bạn nhé.

Nguyên nhân trẻ bị ho

Theo các chuyên gia, ho hiểu đơn giản là một phản xạ của cơ thể với các yếu tố tác động từ môi trường bên ngoài, hạn chế việc xâm nhập của dị vật hoặc tham gia vào việc tống xuất dịch tiết.

tre-bi-ho
Nguyên nhân trẻ bị ho

Thông thường do các nguyên nhân chính:

Trẻ bị ho do viêm đường hô hấp trên

Mũi, họng, amidan, xoang,… là những cơ quan thuộc hệ hô hấp trên.

Đây là những bộ phận gần như tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài, chính vì thế chúng rất dễ bị ảnh hưởng.

Những cơn ho xuất phát từ đường hô hấp trên thường là do cảm lạnh, viêm họng, viêm mũi, viêm xoang hoặc viêm amidan,… Các bệnh lý này không hiếm gặp và thường không gây nguy hiểm, có thể điều trị dứt điểm.

Trẻ bị ho do viêm đường hô hấp dưới

Những bệnh lý liên quan đến đường hô hấp dưới thường nghiêm trọng hơn.

Cơn ho xuất phát từ đường hô hấp dưới thường là do viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi, hen,…

Những bệnh lý này nếu không được chữa trị kịp thời có thể gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của trẻ.

Các nguyên nhân khác

Các nguyên nhân khác hay gặp như ho do bệnh trào ngược dạ dày thực quản, ho do dị ứng, ho do tác nhân vật lý, hóa học như hút thuốc lá thụ động…

Phân biệt các loại ho thông thường ở trẻ

Các cơn ho phần nào nói lên được tình trạng sức khỏe của trẻ. Do đó, cha mẹ cần theo dõi cơn ho của bé.

Dưới đây là những triệu chứng ho thường gặp ở trẻ mà bạn cần lưu tâm.

Trẻ bị ho khan

Ho khan thường là biểu hiện của các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên. Đó là những bệnh như cảm lạnh, cảm cúm do nhiễm trùng vùng mũi, họng gây ra.

Đôi khi ho khan cũng là biểu hiện của viêm phế quản hay viêm phổi, các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp dưới. Ngoài ra, việc hút thuốc lá thụ động cũng khiến trẻ bị ho khan.

Trẻ bị ho có đờm

Đờm là chất dịch nhầy tiết ra từ đường hô hấp dưới.

Khi trẻ bị ho có đờm, nguyên nhân thường là do viêm phế quản, hen suyễn hay viêm tiểu phế quản và các bệnh liên quan đến đường hô hấp dưới.

Cơn ho có đờm thực chất là để cơ thể loại bỏ lượng dịch nhầy ra khỏi cơ thể.

Trẻ bị ho gà

Khi trẻ bị ho gà, âm thanh phát ra nghe giống như tiếng rít.

Triệu chứng của ho gà cũng giống như bị cảm lạnh nhưng cơn ho gà sẽ càng lúc càng nặng hơn và có thể khiến trẻ bị thiếu oxy, khó thở và tím tái.

Cha mẹ cần hết sức lưu tâm trường hợp này.

Những thắc mắc thường gặp của cha mẹ khi trẻ bị ho

Không khác gì bạn, ngoài sự lo lắng mỗi khi con bị ho, Diệp Chi cũng có không ít thắc mắc. Chẳng hạn:

Có nên tự ý mua thuốc trị ho cho bé?

Khi trẻ bị ho, nhiều bậc cha mẹ thường tự mua thuốc uống hoặc thuốc nhỏ cho trẻ. Tuy nhiên với trẻ nhỏ dưới 4 tuổi thậm chí là trẻ dưới 6 tuổi, cha mẹ không nên tùy tiện cho con uống thuốc khi trẻ bị ho.

Quan trọng hơn nữa là cần phải xác định được nguyên nhân trẻ bị ho để có phương án điều trị kịp thời.

Với trẻ từ 6 tuổi trở lên, cha mẹ có thể mua thuốc tại nhà thuốc nhưng cần có sự hướng dẫn của dược sĩ trực quầy. Không được mua thuốc theo kinh nghiệm vì trẻ em và người lớn có thể sẽ không sử dụng cùng loại thuốc và liều lượng.

Ngoài ra, không nên cho trẻ dùng nhiều hơn 2 loại thuốc trong cùng một thời điểm, bởi vì trong mỗi thuốc thường có nhiều thành phần hoạt chất khác nhau và rất có thể bạn sẽ vô tình cho trẻ dùng một hoạt chất nào đó quá liều lượng, dễ dẫn đến tác dụng không mong muốn.

Nên chăm sóc trẻ bị ho như thế nào?

Khi trẻ bị ho, cha mẹ nên để trẻ nghỉ ngơi nhiều hơn, theo dõi bé thường xuyên để đề phòng trường hợp trẻ ho nhiều, có biểu hiện khó thở, thở nhanh thì cần đưa đi bệnh viện ngay lập tức.

Tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng cách bú sữa mẹ hoặc uống sữa công thức. Ngoài ra cần bổ sung nhiều nước và điện giải cho bé.

Việc tắm nước ấm cũng có thể làm giảm cơn ho của trẻ. Hơi nước ấm, nóng sẽ giúp đường hô hấp của trẻ được thư giãn. Cha mẹ cần ngồi cùng bé khi tắm hơi và tránh để trẻ bị bỏng.

cham-soc-tre-bi-ho
Chăm sóc trẻ bị ho

Với trẻ trên 1 tuổi, cha mẹ có thể dùng nước chanh ấm pha mật ong để giảm cơn ho của trẻ.

Tuyệt đối không dùng mật ong cho trẻ em dưới 1 tuổi vì hệ cơ quan của trẻ chưa phát triển đầy đủ, khi dùng mật ong có thể khiến trẻ bị ngộ độc, thậm chí là tử vong.

Về chế độ dinh dưỡng, cha mẹ cần hạn chế cho bé ăn những thực phẩm không tốt cho bệnh ho như: bạc hà, chocolate, đồ ăn cay, nóng, nhiều dầu mỡ hoặc các chất kích thích, đồ uống có ga,…

Nên chia nhỏ bữa ăn và cho trẻ ăn trước khi ngủ ít nhất là hay giờ. Nếu trẻ bị ho nhiều, kéo dài, cha mẹ cần đưa con tới gặp bác sĩ ngay để có phương pháp điều trị kịp thời.

Khi nào nên đưa trẻ đi khám?

Khi trẻ bị ho thường sẽ tự khỏi khi được giữ ấm hoặc chăm sóc đúng cách. Nhưng chắc hẳn các bậc cha mẹ đều cảm thấy rất xót xa và lo lắng cho con.

Tuy nhiên, Diệp Chi khuyên bạn cần bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân và các triệu chứng khi trẻ bị ho để có những phương pháp phù hợp cho cơn ho của trẻ.

Nếu con gặp những tình trạng sau, cha mẹ cần đưa con đến các cơ sở y tế để khám và chữa bệnh:

  • Ho kèm khò khè kèm khó thở, tím tái, rối loạn tri giác (vật vã – bứt rứt, hay li bì); ho tăng dần, kéo dài.
  • Ho kèm theo nôn trớ.
  • Chảy nước dãi thường xuyên, khó nuốt.
  • Khi ho, mặt mũi tái nhợt, môi thâm tím.
  • Yếu ớt, mệt mỏi.
  • Trẻ cảm thấy có dị vật trong họng.
  • Đau tức ngực khi hít sâu.
  • Thở khò khè.
  • Trẻ nhỏ bỏ bú, bú kém.
  • Trẻ sốt cao trên 40°C và không giảm sau hai giờ uống thuốc.
  • Trẻ dưới 3 tháng tuổi sốt cao, nhiệt độ đo tại trực tràng lên trên 39° C.

Cha mẹ cần gọi cấp cứu hoặc đưa con đến cấp cứu tại các cơ sở y tế ngay lập tức nếu trẻ có những biểu hiện sau:

  • Trẻ bị tím tái vùng môi và quanh môi.
  • Trẻ mệt mỏi, khó thở.
  • Trẻ ngừng thở, thở rất yếu.

Nếu trẻ ho quá nhiều, kéo dài và kèm theo những triệu chứng khác thì bạn nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để thăm khám càng sớm càng tốt.

cho-tre-bi-ho-kham-bac-si
Nên cho trẻ đi khám bác sĩ

Có nên trị ho cho trẻ bằng thảo dược và phương pháp dân gian?

Khi con bị ho, các mẹ thường mách nhau nhiều cách trị ho cho trẻ bằng thảo dược thiên nhiên mà không cần dùng thuốc.

Cũng có không ít tài liệu, bài viết uy tín nói về chủ đề này.

Một trong số đó có bài chia sẻ của bác sĩ nhi khoa Carol Wilkinson làm việc tại California-San Francisco (UCSF).

Theo vị bác sĩ này có thể dùng một số thảo dược để trị ho cho trẻ như:

Chanh

Nước chanh có thể loại bỏ chất nhầy và dịu cổ họng. Để an toàn, đừng cho bé ăn chanh trực tiếp vì chúng sẽ làm hại men răng. Hãy vắt chanh hòa vào nước hoặc ngâm chúng với một ít mật ong.

Trà

Một cốc trà ấm có thể giúp làm dịu cổ họng cho bé. “Trà thảo dược êm dịu có thể là một loại thuốc giảm ho nhanh chóng. Trà hoa cúc và trà bạc hà là lựa chọn hoàn hảo. Có thể thêm vài giọt mật ong vào cốc trà, điều đó càng làm tăng tốc độ giảm ho”, Wilkinson nói.

Gừng

Cho bé ăn gừng hoặc uống trà gừng khi ho đều tốt. Gừng có thể loại bỏ đờm trong cổ họng để bé không còn bị ho nữa.

Lá húng tây

Theo bác sĩ Wilkinson, lá húng tây có tác dụng làm vỡ và loại bỏ chất nhầy trong cổ họng khi bé bị ho. Vì vậy, đây là loại thảo dược được cho là giúp kiềm ho tốt.

Rễ cây cam thảo

Là một loại thảo dược rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt trong việc trị ho ở trẻ em và người lớn.

Mật ong

“Mật ong là loại thuốc ho tự nhiên và tốt nhất”, bác sĩ Wilkinson nói.

Một nghiên cứu cho thấy mật ong có thể làm giảm triệu chứng ho và cải thiện giấc ngủ ở những trẻ bị bệnh.

Tiến sĩ Wilkinson khuyến cáo liều cho trẻ như sau:

  • Trẻ em 1-5 tuổi: 1/2 muỗng cà phê.
  • Trẻ em 6-11 tuổi: 1 muỗng cà phê.
  • Trẻ em từ 12 tuổi trở lên: 2 muỗng cà phê.
  • Hãy nhớ: Không cho trẻ dưới 1 tuổi dùng mật ong.

Ngoài ra còn có rất nhiều loại thảo dược khác nữa cũng được Đông y khuyên dùng, Diệp Chi sẽ chia sẻ thêm ở bài viết khác.

thao-duoc-tri-ho-cho-tre
Thảo dược trị ho cho trẻ

Tuy vậy, theo mình, bạn chỉ nên trị ho cho bé bằng thảo dược khi bé bị ho thông thường, nếu ho trở nặng cần cho bé đến viện để thăm khám.

Vì sao trẻ bị ho kéo dài?

Nhiều trẻ em bị ho kéo dài hơn 1 tháng, đã áp dụng cả phương pháp dân gian và dùng thuốc nhưng vẫn không khỏi.

Tình trạng này có thể do những nguyên nhân sau:

#1 Nhiễm trùng đường hô hấp trên

Nhiễm trùng đường hô hấp trên là nguyên nhân phổ biến nhất gây ho kéo dài ở trẻ em. Bệnh xuất hiện do nhiễm virus, nhiễm khuẩn, lây nhiễm từ trường học, nhà trẻ.

Trẻ thường bị ho kéo dài trên 6 – 7 ngày. Ngoài triệu chứng ho kéo dài, bệnh nhi còn có các triệu chứng khác như sốt, chảy nước mũi, hắt hơi, đau đầu, mệt mỏi,…

#2 Hen phế quản

Hen phế quản (hen suyễn) ở trẻ em là bệnh lý co thắt và viêm mạn tính đường hô hấp dưới, gây viêm khí quản, hạn chế luồng không khí vào phổi, gây triệu chứng thở rít tái phát.

Trẻ dưới 3 tuổi thường bị ho kéo dài khi bị hen phế quản.

Phấn hoa, lông thú, khí thải, khói thuốc và một số thực phẩm nhất định,… có thể gây hen phế quản ở trẻ.

Trẻ thường xuất hiện nhiều đợt ho khan, ho từng cơn tái phát, tức ngực và thở rít. Thường các bé sẽ bị viêm tiểu phế quản trên 3 lần trước 2 tuổi.

#3 Chảy dịch mũi sau

Khi cơ thể trẻ sản sinh ra lượng chất nhầy quá mức có thể gây chảy dịch mũi sau. Chất nhờn sẽ chảy xuống phía sau cổ họng, kích thích dây thần kinh và các thụ thể, gây ho kéo dài ở trẻ em. Đây là triệu chứng thường gặp của tình trạng dị ứng và nhiễm virus.

Loại ho này có đờm hoặc không có đờm, thường nặng hơn vào ban đêm. Trẻ sẽ bị ngứa cổ, hắt hơi, mắt ngứa, chảy nước mắt và có thể bị nổi chàm nếu nguyên nhân là do dị ứng.

#4 Trào ngược dạ dày – thực quản

Ợ nóng (hoặc trào ngược dạ dày – thực quản) là nguyên nhân phổ biến gây ho mạn tính ở cả trẻ em và người lớn. Tình trạng này thường xảy ra khi axit từ dạ dày bị rò rỉ ngược trở lại đường ống thực phẩm. Bệnh có thể trở nặng khi trẻ nằm xuống vào buổi tối.

Trẻ thường bị trào ngược sau ăn khoảng 30 – 60 phút, khi thay đổi tư thế hoặc trong bữa ăn do cơ thắt dưới thực quản tự mở ra.

#5 Ho gà

Ho gà là bệnh do vi khuẩn gây ra, lây lan qua đường hô hấp. Bệnh có thể ảnh hưởng tới mọi lứa tuổi, từ trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ tới người lớn. Các triệu chứng của bệnh xuất hiện sau khi nhiễm trùng khoảng 5 – 10 ngày.

Biểu hiện điển hình của bệnh là trẻ xuất hiện cơn ho từ 15 – 20 ngày, cơn ho kéo dài, đi kèm sốt, nôn trớ, ngừng thở, tím tái sau cơn ho, chậm nhịp tim,…

Ở trẻ nhũ nhi (1 – 12 tháng tuổi), bệnh thường diễn biến nặng vì trẻ dưới 3 tháng tuổi chưa được tiêm vắc xin.

tre-bi-ho-lau-ngay
Trẻ bị ho lâu ngày không khỏi

#6 Viêm phổi

Viêm phổi là bệnh nhiễm trùng thông thường ở trẻ em. Các triệu chứng bệnh gồm sốt, cảm giác ớn lạnh, run rẩy, khó thở và ho kéo dài. Bệnh do virus hoặc vi khuẩn gây ra. Trẻ dễ mắc viêm phổi khi bị lây nhiễm ở các khu vui chơi, trường học,…

#7 Dị vật đường thở

Khi bị mắc dị vật trong đường thở, trẻ sẽ có biểu hiện ho sặc sụa, có cơn ngạt thở, tím tái, chảy nước mắt nước mũi, vã mồ hôi,… Trong trường hợp dị vật đường thở bị bỏ quên, trẻ sẽ bị ho kéo dài và viêm phổi tái phát.

#8 Một số nguyên nhân khác

Lạm dụng thuốc xịt giảm xung huyết mũi, khiến niêm mạc mũi bị sưng nề, bị kích thích, gây xung huyết, chảy dịch sau họng và gây ho kéo dài ở trẻ em.

Không khí hanh khô hoặc quá ẩm ướt làm kích thích sự phát triển của mạt nhà, nấm,… gây ho khan kéo dài.

Trên đây Diệp Chi đã tổng hợp một số vấn đề liên quan đến ho ở trẻ em, hi vọng sẽ giúp ích cho bạn.

Cũng tin rằng những bậc cha mẹ như chúng ta thay vì thấp thỏm lo âu sẽ bình tình hơn, cẩn trọng hơn mỗi khi con bị ho.

Chúc cho bé yêu luôn trộm vía bạn nhé!

=====

Nguồn tham khảo:

  • medlatec.vn
  • vinmec.com
  • vietnamnet.vn

Bình luận

1
1
Miễn phí giao hàng toàn quốc
Cùng nhiều quà tặng hấp dẫn